(HQ Online)- Một vụ nhập khẩu linh kiện xe máy khai báo không chính xác trong quá trình làm thủ tục hải quan tại một trong những doanh nghiệp sản xuất xe máy lớn nhất Việt Nam đã được Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) phát hiện, truy thu số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Theo Cục Kiểm tra sau thông quan, quá trình làm thủ tục nhập khẩu doanh nghiệp khai báo tên hàng là “Lõi trượt của puly chủ động”, “Bộ kẹp trượt bi văng”, “Bộ bi văng” để lắp ráp xe máy tay ga: là các chi tiết chỉ dùng cho xe máy, được lắp trong bộ truyền chuyển động (dạng puly - dây đai) để truyền chuyển động từ động cơ sang Bộ giảm tốc (Transmission). Mã số khai báo đối với Bi văng là 8482.10.00 thuế nhập khẩu 3%, Kẹp trượt bi văng là 3926.30.00 thuế nhập khẩu 20%, Lõi trượt bi văng là 8409.91.49 thuế nhập khẩu 10%.
Tuy nhiên theo tài liệu do Cục Kiểm tra sau thông quan thu thập, phân tích cho thấy các mặt hàng trên, nếu nằm trong động cơ xe máy sẽ thuộc nhóm 8409 hoặc nhóm 8483 thuế nhập khẩu 10%. Nhưng nếu nằm ngoài động cơ xe máy tay ga thì thuộc nhóm 8714 thuế nhập khẩu 32%.
Để làm rõ linh kiện do nhập khẩu có nằm ngoài động cơ xe máy hay không, Cục Kiểm tra sau thông quan đã thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra bản vẽ thiết kế và yêu cầu doanh nghiệp giải trình làm rõ công dụng, cấu tạo và bản chất của hàng hóa nhập khẩu.
Để đảm bảo cơ sở pháp lý nhằm không gây thiệt hại về quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, không gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, Cục Kiểm tra sau thông quan tiếp tục trưng cầu ý kiến của nhiều đơn vị có chuyên môn trong và ngoài ngành như: Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính); Cục Thuế xuất nhập khẩu, Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan); Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Theo kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn, trong động cơ có các linh kiện: Trục khuỷu, píttông, vòng găng, van (xupap) được bôi trơn bằng dầu động cơ. Còn các mặt hàng do doanh nghiệp nhập khẩu nêu trên là các chi tiết thuộc “Má puly động” không được bôi trơn bằng dầu động cơ, nằm ngoài động cơ xe máy tay ga.
Căn cứ nội dung mô tả hàng hóa của nhóm 8714, các phân nhóm trong nhóm 8714, và các quy định liên quan, các mặt hàng “Bi văng, kẹp trượt, lõi trượt để lắp ráp xe máy tay ga” phù hợp phân loại vào nhóm 8714, mã số chi tiết 8714.10.90, có thuế suất Thuế nhập khẩu 32%. Tổng số tiền thuế chênh lệch của các tờ khai đã được doanh nghiệp nhập khẩu trong thời điểm kiểm tra là hơn 80 tỷ đồng.
Một số cán bộ kiểm tra sau thông quan trực tiếp thực hiện kiểm tra vụ việc nêu trên cho hay: Để thực hiện thành công việc kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp xe gắn máy ngoài kiến thức, kinh nghiệp về hoạt động hải quan, cán bộ công chức trực tiếp kiểm tra còn phải nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích nhiều tài liệu kỹ thuật. Ví dụ như trong vụ việc kiểm tra linh kiện của doanh nghiệp sản xuất xe máy kể trên, lực lượng Kiểm tra sau thông quan phải nghiên cứu tỉ mỉ các tài liệu kỹ thuật về sản xuất xe máy, tài liệu liên quan đến phân loại hàng hóa, trong đó có những khái niệm rất kỹ thuật như “bộ phận (của động cơ)” và “bộ phận và phụ kiện (của đông cơ và linh kiện xe máy)”... Sau khi nghiên cứu họ mới vỡ lẽ “bộ phận” và “bộ phận và phụ kiện” không áp dụng cho các sản phẩm mà doanh nghiệp khai báo vào nhóm “84” thực chất phải là hàng hóa nằm trong nhóm “87”.
Để doanh nghiệp “tâm phục khẩu phục” với kết quả kiểm tra, sau khi củng cố đầy đủ cơ sở tài liệu về kỹ thuật, về phân loại hàng, chính sách thuế… cơ quan Hải quan tiếp tục cho doanh nghiệp được giải trình, chứng minh việc khai báo hàng hóa nhập khẩu, khi doanh nghiệp không chứng minh được và nhận thấy kết quả kiểm tra hợp lý của cơ quan Hải quan nên đã chấp hành nghiêm túc quyết định truy thu thuế.